Tổng quan về kinh tế nước Đức
Nước Đức đứng thứ 4 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản về GDP, đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu (năm 2012 xuất 1381 tỷ Euro, +4,5%). Các ngành công nghiệp chủ yếu như chế tạo xe hơi, chế tạo máy móc, thiết bị, công nghiệp hoá chất, công nghiệp kỹ thuật điện và điện tử. Từ năm 1975 Đức là thành viên của G8.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã có tác động đến kinh tế Đức mà thiệt hại nặng nề nhất là các ngành định hướng xuất khẩu chế tạo máy và thiết bị cũng như ngành sản xuất ô tô. Tuy nhiên, Đức là một trong những quốc gia phục hồi nhanh nhất sau khủng hoảng kinh tế.
1 Nông nghiệp
Phần lớn diện tích nước Đức dùng cho nông nghiệp, nhưng chỉ có 2 - 3% dân số Đức làm việc trong ngành này. Vùng bờ biển phía Bắc chuyên nuôi bò sữa và ngựa. Vùng chân núi Alps tập trung chăn nuôi gia cầm, lợn, bò và cừu.
Dải đất màu mỡ dọc theo sườn nam vùng đất thấp là nơi gieo trồng lúa mì, lúa mạch, ngũ cốc, củ cải đường, cây ăn trái, khoai tây và nho. Đức nằm trong số các nước sản xuất sữa, chế phẩm sữa và thịt nhiều nhất thế giới. Nông nghiệp ở Đức được điều tiết theo chính sách nông nghiệp của EU.
2 Công nghiệp
Các ngành công nghiệp chủ yếu là: Chế tạo xe hơi, chế tạo máy móc, thiết bị, công nghiệp hoá chất, công nghiệp kỹ thuật điện và điện tử.
Đức có nhiều tập đoàn đa quốc gia tầm cỡ thế giới như BASF, Robert Bosch GmbH, E.On, Deutsche Telekom, Siemens AG, Deusche Bank,…Tuy nhiên, xương sống của kinh tế Đức là các công ty có quy mô vừa và nhỏ (thu hút khoảng 20 triệu lao động).
3 Dịch vụ
Phát triển mạnh trong những năm gần đây và hiện đóng góp nhiều nhất vào GDP. Frankfurt là trung tâm tài chính lớn nhất của Đức và cũng là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới.
Đức là một trong những nước có mạng lưới giao thông dày nhất thế giới (đứng thứ 2 sau Mỹ), bao gồm 11.980 km đường cao tốc và 41.386 km đường liên tỉnh.
Frankfurt cũng là trung tâm trung chuyển hàng không hàng đầu thế giới (năm 2011 sân bay Frankfurt chuyên chở 53 triệu lượt khách).
Hệ thống giao thông đường thuỷ và đường biển có vị trí rất quan trọng đối với một nền kinh tế hướng xuất khẩu như Đức. Hamburg là cảng biển lớn nhất Đức và cũng là một trong 3 cảng lớn nhất thế giới.
Do chi phí lao động ngày càng cao, nên Đức có lợi thế thu hút đầu tư trong những ngành sử dụng công nghệ và vốn, mất dần lợi thế trong các ngành sử dụng lao động.