Hanbok - Trang phục truyền thống của người dân Hàn Quốc
1. Giới thiệu chung về Hanbok
Hanbok (한복) được coi là Hàn phục; là bộ trang phục truyền thống của của Hàn Quốc. Bộ trang phục này có màu sắc sặc sỡ rất đặc trưng, các đường kẻ đơn giản, không có túi và được mặc trong các dịp lễ hội.
2. Tóm tắt lịch sử của Hanbok
Hanbok được cho là bắt đầu xuất hiện từ thời Tam quốc (năm 57 AD – năm 668 BC) khi các vương quốc koguryo, paekche và silla thống trị bán đảo Triều Tiên.
Bằng chứng về sự ra đời của Hanbok được tìm thấy trong khu mộ của người Hung Nô ở miền bắc Mông Cổ, và bức tranh thiết kế hanbok Hàn Quốc cơ bản trên tường cổ xưa của Goguryeo. Theo đó, các nhà nghiên cứu cho rằng hanbok bắt nguồn từ nền văn hóa Scytho-Siberian thuộc miền bắc Châu Á trong thời cổ đại.
2.1. Thời kỳ Tam quốc ( Năm 37 TCN - năm 676)
Hanbok của phụ nữ phần lớn được chia thành jeogori - 저고리 (phần trên), chima- 치마 (phần dưới) và durumagi - 두루마기 (áo khoác). Hanbok của nam được chia thành jeogori - 저고리 (phần trên), baji – 바지 (phần dưới) và durumagi - 두루마기 (áo khoác).
Áo jeogori, quần baji và váy chima có lẽ đã được mặc từ rất lâu đời nhưng mãi đến thời Tam Quốc thì kiểu áo hai phần như ngày nay mới định hình. Trong những bức tranh cổ trong mộ Cao Câu Ly được trang trí với hình nam nữ đều mặc trang phục gồm có: quần bó, ngắn và áo ngang eo. Kiểu trang phục cổ xưa này đến nay hầu như vẫn không hề thay đổi..
Đến cuối thời Tam Quốc, những người phụ nữ quý tộc mới bắt đầu mặc áo khoác dài tới ngang hông (được thắt lại ở eo) và váy dài phủ kín chân, còn đàn ông quý tộc thì mặc quần rộng, bo lại ở mắt cá chân và áo chẽn có thắt lưng ở eo.
Cũng thời kỳ này, chiếc áo choàng bằng lụa Trung Quốc xuất hiện và chỉ dành cho Hoàng tộc và các quan lại. Đó cũng là nguồn gốc của Kwanbok tức 'quan phục' - trang phục của các quan lại. Tầng lớp dân thường trang phục đơn giản hơn rất nhiều. Phụ nữ chỉ được mặc màu xám còn áo khoác của nam giới chỉ dài tới hông.
2.2. Thời kì Silla thống nhất ( 676 - 935 )
Là thời kỳ hoàng kim về quần áo giới quý tộc.
Silla đã thống nhất 3 vương quốc làm một, từ đó tiếp thu nền văn hóa phát triển của Goguryeo và Baekje, cải thiện quan hệ với nhà Đường và thúc đẩy giao lưu tích cực để phát triển thịnh vượng về văn hóa. Văn hóa trang phục phát triển và đạt đến thời kỳ hoàng kim.
Giai cấp xã hội cũng được phân chia qua các loại trang phục. Quần áo bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Trung Quốc, durumagi - áo ngoài có cổ áo tròn và tay áo rộng. Trang phục có thêm 1 chiếc váy dài mặc bên ngoài, một chiếc áo ngắn và chiếc khăn quàng xếp nếp khoác trên vai xỏa dài xuống.
2.3 Triều đại Goryeo (918 – 1392)
=> Sự khác biệt về trang phục giữa nam và nữ được giảm bớt
Khi vua nhà Goryeo ký một hiệp ước hòa bình với Đế quốc Mông Cổ, nhà vua cưới một vương hậu người Mông Cổ, các quan lại trong triều cũng ăn mặc theo trang phục người Mông Cổ. Từ đó, váy chima được mặc ngắn hơn, áo jeogori chỉ mặc tới eo và trên ngực có thắt một chiếc nơ (thay cho thắt lưng) còn ống tay áo được cắt lượn một đường cong rất nhẹ nhàng và thanh thoát.
Ngoài ra, trang phục của triều đại Goryeo vẫn chịu ảnh hưởng theo nền văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, so với thời Silla thống nhất, quần áo của nam nữ không quá khác biệt nó phản ánh đây là thời kỳ ít phân biệt đối xử với phụ nữ hơn và không nhấn mạnh sự chênh lệch giai cấp một cách đáng kể.
2.4 Triều đại Joseon (1392 - 1876)
Thời kỳ đầu Joseon, trang phục không có nhiều sự thay đổi do sự du nhập của Nho giáo nên thứ cấp phân biệt rất rõ rệt. Tuy nhiên, khi nền kinh tế hàng hóa - tiền tệ phát triển, những quy luật khắt khe dần được nới bỏ. Người dân ngày càng thoải mái hơn trong trang phục.
Thời kỳ cuối Joseon, áo jeogori của phụ nữ được thiết kế chật hơn và ngắn hơn. Vào thế kỷ 16, áo jeogori rất rộng và dưới tận dưới eo, nhưng đến cuối triều Joseon (thế kỷ 19), chiếc áo này được thiết kế ngắn lại tới mức không che được hết ngực. Từ đó người ta mặc thêm chiếc áo heoritti ở trong.
Cuối thời Joseon, người dân Hàn Quốc mặc váy chima dài và áo jeogori ngắn, vừa vặn. Dưới lớp váy chima người ta phải mặc rất nhiều lớp váy lót khác như darisokgot, soksokgot, dansokgot, and gojengi để váy phồng lên và trông đẹp hơn. Trang phục Hanbok của tầng lớp thượng lưu được dệt từ cây gai hoặc một loại vải nhẹ, cao cấp. Người dân thường thì chỉ được phép mặc áo làm bằng chất liệu cotton đơn thuần.
Giới thượng lưu được mặc quần áo nhiều màu sắc sặc sỡ, những màu sáng được dành cho trẻ em và các bé gái, còn màu dịu hơn thì dành cho những người trung niên.
Luật còn quy định người dân thường chỉ được phép mặc quần áo màu trắng, nhưng trong những dịp đặc biệt họ được cho phép mặc các trang phục màu hồng nhạt, xanh lá cây nhạt, xám và màu than. Lịch sự hơn, khi đàn ông đi ra ngoài, họ mặc thêm một chiếc áo durumagi dài tới đầu gối.
3. Đặc điểm của Hanbok
Bên cạnh cấu tạo, nét truyền thống và đặc trưng của Hanbok nằm trong 3 yếu tố chính, đó chính là: chất liệu, hoa văn và màu sắc. Ngày xưa, chỉ cần nhìn vào cách may, màu sắc và chất liệu , người ta có thể đoán được xuất thân và vị thế của người mặc.
3.1. Chất liệu
Chất liệu chủ yếu của một bộ Hanbok là vải lụa, satin và vải thô. Tùy theo điều kiện thời tiết mà người Hàn sử dụng các loại vải khác nhau. Mùa đông, Hanbok được lót thêm nhiều lớp vải để giữ ấm cơ thể. Mùa hè, người may sử dụng các chất liệu mỏng và mát hơn.
3.2. Hoa văn
Hoa văn trên Hanbok thường thiên về các họa tiết thiên nhiên hoặc những hình sang trọng như rồng phượng, có thể in chìm trên nền vải.
3.3. Màu sắc
Vải để làm Hanbok được nhuộm màu tự nhiên với quá trình phức tạp, tỉ mỉ. Màu sắc từ thuốc nhuộm được ngấm vào vải, tạo cho vải may hanbok độ sâu và sắc độ chuẩn xác. Sau quá trình nhuộm sẽ thu được những mảnh vải với màu sắc và độ tinh tế khác nhau. Mỗi thiết kế Hanbok là kết tinh của sự sáng tạo và giàu tình cảm.
Có 5 màu sắc được ưa chuộng trong thiết kế trang phục Hanbok: đỏ, xanh da trời, vàng, đen và trắng. Đây là 5 sắc màu chủ yếu theo triết lý âm dương và ngũ hành của phương Đông.
4. Ý nghĩa của Hanbok
Với người Hàn Quốc, Hanbok không chỉ là tà áo truyền thống thể hiện vẻ đẹp tao nhã, cổ điển mà còn là cách thể hiện sự yêu mến với những giá trị văn hóa cổ truyền. Mặc Hanbok khiến cho phụ nữ Hàn Quốc hiện đại mang một vẻ đẹp duyên dáng, kín đáo, e lệ, hấp dẫn đặc biệt. Hanbok còn có ý nghĩa để thể hiện nghi lễ trong các dịp trọng đại như là đám tang, lễ cưới.
Các họa tiết trên áo Hàn Quốc hanbok thể hiện ước muốn, hy vọng của người mặc. Chẳng hạn như: cây nho, cây lựu, hoa mẫu đơn tượng trưng cho sự trường thọ; ngọn lửa thể hiện sự khôn ngoan;…; mong muốn về sự trường thọ thường biểu hiện qua hình tượng mặt trăng, mặt trời, cây thông, cây tre, con rùa, con sếu…
5. Sự cải tiến của Hanbok ngày nay ( Hanbok cách tân )
Các nhà thiết kế đã cách tân, biến đổi màu sắc, thay đổi kiểu dáng để làm nên sự phong phú cho trang phục và giúp khách hàng chọn lựa được trang phục ưng ý, phù hợp với mình. Bên cạnh Hanbok áo truyền thống Hàn Quốc thì Hanbok cách tân ngày nay có hai loại phổ biến là Saenghwal Hanbok và Gaeryang Hanbok, cả hai loại này đều được thiết kế đơn giản đi so với Hanbok truyền thống
Sự thay đổi độ dài khiến cho áo hanbok cách điệu trở nên thoải mái khi mặc hơn, giảm độ vướng víu. Saenghwal hanbok được thiết kế để thuận tiện hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, Gaeryang hanbok nhấn mạnh vào vẻ ngoài bắt mắt, mang tính thời trang nhằm làm phong phú vẻ đẹp của hanbok và quảng bá hình ảnh của Hàn Quốc đến với thế giới.
Bạn đang có nhu cầu Du học Hàn Quốc, liên hệ ngay với ANG Group để được tư vấn hỗ trợ miễn phí nhé!
HOTLINE: 0246 278 0875